Vinh Xuân Hongkong

Vĩnh Xuân được sáng lập bởi Ngũ Mai Lão Ni cách đây 300 năm. Trong số các môn phái võ thuật ở Trung Hoa, tôi thích môn Vĩnh Xuân nhất. Không phải vì tôi là võ sư Vĩnh Xuân, mà vì lý thuyết và cấu trúc của Vĩnh Xuân rất khoa học và đã đạt đến mức độ hoàn hảo cao nhất. Theo lời kể của võ sư Diệp Vấn (Yip Man), ni sư Ngũ Mai khi về già, cảm thấy mình yếu dần và sức lực cũng giảm, bà nhận thấy những môn công phu truyền thống mà bà đã luyện tập trở nên kém hiệu quả trong chiến đấu vì đều phụ thuộc vào sức mạnh thể chất. Để vượt qua điều này, bà cố gắng sáng tạo một loại công phu đặc biệt mà không dựa vào sức mạnh thể chất của một người, khiến cho hiệu quả của trận đấu không bị giảm sút do tuổi già. Sau 1 thời gian dài nghiên cứu, môn công phu tuyệt hảo Vĩnh Xuân đã ra đời. Vĩnh Xuân công phu được xem là hoàn mỹ. Lý thuyết, cấu trúc và kỹ thuật của nó trong tấn công cũng như phòng thủ là rất sâu sắc và bao gồm nhiều khía cạnh, như là đặc tính cơ bắp con người, cấu trúc xương, lý thuyết về lực, những suy nghĩ và tiềm năng của một con người. Việc làm quen và hiểu rõ về các khía cạnh trên sẽ dẫn đến một kỹ thuật chiến đấu cao cấp. Một người theo đuổi võ thuật, sẽ cảm thấy vô cùng thích thú khi hiểu được lý thuyết 1 cách đầy đủ qua việc nghiên cứu và luyện tập bền bĩ.

Vĩnh Xuân bao gồm 3 bài quyền : Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều và Tiêu Chỉ, mỗi bài có 1 lý thuyết của riêng nó. Nói cách khác, mỗi bài nhắm đến một mục tiêu riêng. Dựa vào mỗi bài, người tập sẽ hình thành được 1 loại hiệu quả chiến đấu khác nhau. Sự kết hợp của những kết quả trên sẽ tạo nên một nghệ thuật chiến đấu vô địch, hiệu quả cả trong tấn công và phòng thủ. Bên cạnh 3 bài quyền trên, việc thực tập trên Mộc nhân với Mộc nhân pháp sẽ làm tăng sự thích thú và hiệu quả trong việc luyện tập.

Trước tiên, tôi sẽ đưa ra những mô tả tổng quát về mặt lý thuyết. Sau đó, tôi sẽ phân tích chi tiết kỹ hơn. Hy vọng rằng, bằng cách này, người học sẽ hiểu được cách thực hành như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất.

1. Tiểu Niệm Đầu: Mục tiêu căn bản của bài Tiểu Niệm Đầu là làm quen với 1 số động tác đơn giản, và kỹ năng sử dụng lực kết hợp với sự tập trung tinh thần vào những phần khác nhau trên cơ thể. Bằng cách này, mọi cử động đơn giản sẽ trở nên mạnh mẽ và có thể chịu được những tác động mạnh cũng như hiệu quả trong tấn công.

2. Tầm Kiều: Khái niệm cơ bản của bài Tầm Kiều là sử dụng sức nặng cơ thể kết hợp với những động tác di chuyển của bài Tiểu Niệm Đầu để tạo nên những loại kỹ thuật khác nhau trong việc sử dụng lực. Bằng cách này, người tập có thể chiến thắng đối thủ một cách dễ dàng mà không mất nhiều sức lực.

3. Tiêu Chỉ: Ý niệm chính của bài này là tạo ra khả năng phát lực bằng sức nặng toàn thân khi chuyển động nhanh. Một cách cơ bản, đây là việc sử dụng những động tác đơn giản của bài Tiểu Niệm Đầu kết hợp với kỹ năng xoay chuyển của bài Tầm Kiều thêm vào việc gia tăng tốc độ. Khi luyện tập tốt bài này, người tập có thể phát ra 1 lực đánh tập trung và rất mạnh. Đó là lý do nó được đặt tên là Tiêu Chỉ (phát ra 1 lực tập trung mạnh từ đầu ngón tay).

Sau khi đã quen với mọi động tác của các bài quyền Vĩnh Xuân, người tập phải nghiên cứu và hiểu sâu hơn về lý thuyết và nội dung của các bài để hình thành khái niệm trong khi luyện tập, từ đó mới khám phá được những nguyên lý võ thuật. (Nghĩa là : dùng quá trình suy nghĩ để đạt được những nguyên tắc cơ bản của Vĩnh Xuân – theo lời của lão sư Diệp Vấn). Luyện tập theo cách này, người tập có thể đạt được kết quả lý tưởng và nhiều bổ ích.

Bây giờ, tôi sẽ giới thiệu tổng quát về triết lý của Vĩnh Xuân. Môn công phu Vĩnh Xuân luôn nhấn mạnh đến việc không sử dụng lực cơ bắp, mà phải kết hợp với ý chí và vận dụng nó như một nguồn năng lượng. Điều này khẳng định tầm quan trọng của việc hiểu nguyên lý trong suốt quá trình tập. Tôi hy vọng những người theo học Vĩnh Xuân có thể tìm thấy sự tương đồng với lý thuyết khoa học hiện đại bằng việc phân tích các động tác của nó, nhờ vậy mọi người có thể học nhiều hơn về hệ thống Vĩnh Xuân và dễ dàng hiểu được tại sao Vĩnh Xuân có những nguyên lý thật sâu sắc.

Vào triều Mãn Thanh ở Trung Hoa, Vĩnh Xuân được tạo nên từ kinh nghiệm võ thuật một đời của Ngũ mai Lão Ni trong những năm cuối đời của bà. Đến nay, đã vài trăm năm trôi qua, khi người ta dùng những kiến thức khoa học hiện đại để phân tích Vĩnh Xuân, thì mọi động tác của 3 bài Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều hay Tiêu Chỉ đều phù hợp với những quy tắc vật lý, động học và lý thuyết về cấu trúc cơ thể. Đó là lý do tôi tin rằng Vĩnh Xuân là một phát minh võ thuật vượt thời gian.

Nói chung, khi một người bắt đầu học những động tác của bài quyền Vĩnh Xuân, hầu hết đều cảm thấy nó khó hiểu. Vì thế, họ sẽ tập trung vào những kỹ thuật ứng dụng thực tế và bỏ qua những quy tắc quan trọng về lý thuyết lực và cấu trúc. Khi phân tích Vĩnh Xuân theo nguyên lý đòn bẩy, người ta có thể hiểu thêm và tin rằng đây là kỹ thuật cao nhất của Vĩnh Xuân, nhưng không thấy được những tiến bộ có thể đạt được do phát triển ý lực, đó là lý do tại sao Vĩnh Xuân có thể tiết kiệm sức lực. Chính nhờ nguyên lý về lực và cấu trúc này mà một người có thể tiến lên một cấp độ cao hơn.

Khi tôi cố gắng giải thích về lý thuyết sâu sắc của công phu Vĩnh Xuân, tôi cảm thấy thật khó khăn để diễn đạt và ghi lại chúng. Ngay cả khi tôi mô tả những động tác đã làm trong các buổi thảo luận trước, tôi vẫn nghĩ rằng nó đang sắp sửa diễn ra. Vì thế, người ta khó có thể tin được hiệu quả thực tế của Vĩnh Xuân khi đạt đến một độ tập trung nào đó thì lực có thể được tạo ra.

Khi luyện tập Vĩnh Xuân, bên cạnh việc nghiên cứu những ứng dụng của các động tác, người tập không nên bỏ qua nguyên lý của các bài tập. Ví dụ, ở bài Tiểu Niệm Đầu, dĩ nhiên những động tác của nó có thể được dùng trong phòng thủ và tấn công, nhưng thực tế, người tập cần định hướng tất cả các động tác của bài tập bằng ý nghĩ. Khi tạo nên ý lực này, bằng việc không sử dụng bất kỳ lực cơ bắp nào, người tập có thể tìm thấy những kỹ năng để phát ra lực bằng ý. Một ví dụ cụ thể của điều này là Bàng Sẩu. Tay Bàng có thể dễ dàng chuyển xuống dưới lực đánh của đối phương mà không sử dụng bất kỳ lực cơ bắp nào.

Nguồn : Sưu Tầm